Viêm nhiễm phụ khoa vì sao lại quay lại

Viem nhiem phu khoa  vì sao lại quay lại bạn nên làm gì nếu gặp trường hợp này ? 
 
Nhiễm trùng âm hộ, âm đạo là một bệnh lý rất thường gặp ở phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi. Triệu chứng lâm sàng thường thấy là ra nhiều huyết trắng, hôi, ngứa, cảm giác nóng rát ở bộ phận sinh dục, có thể kèm với cảm giác đau khi giao hợp. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy mỗi năm bệnh phụ khoa nữ tăng từ 15 đến 27%, trong đó hiện tượng tái viêm nhiễm là 11%.
Vì đâu nên nỗi ?
 
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Dương Phương Mai, Phó giám đốc y khoa Bệnh viện Quốc tế Phụ sản Sài Gòn, viêm âm đạo là bệnh lý phụ khoa thường gặp nhất của chị em phụ nữ, nhất là trong độ tuổi sinh sản, hoạt động sinh dục. Theo thống kê, hằng năm có khoảng 40% phụ nữ mắc bệnh viêm âm đạo.
Sở dĩ có những triệu chứng như vậy là vì môi trường bình thường của âm đạo bị thay đổi. Đầu tiên phải kể đến những thói quen có hại như lạm dụng dung dịch vệ sinh, có người còn thụt rửa sâu trong âm đạo, cứ nghĩ âm đạo càng sạch càng tốt, không ngờ như vậy càng làm thay đổi môi trường của âm đạo, càng dễ gây viêm nhiễm nặng.
Thứ hai là có người thích mặc quần lót quá chật, được may bằng vải tuy đắt tiền nhưng không có chức năng hút ẩm, khô thoáng. Chính sở thích này làm cho vùng kín thường xuyên ẩm ướt, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Có quan niệm cho rằng giới văn phòng (trong độ tuổi 25 -35) được coi là “sạch sẽ” nên có thể tránh được một số bệnh phụ khoa. Tuy nhiên, trên thực tế đa số chị em văn phòng đều mắc bệnh phụ nữ, do tính chất công việc phải ngồi nhiều, ít có thời gian vận động, vùng kín không có điều kiện để vệ sinh, làm thoáng...
Bác sĩ Dương Phương Mai lưu ý nguyên nhân thường gặp nhất của chứng viêm nhiễm phụ khoa chính là yếu tố vệ sinh kém, dẫn đến vi khuẩn tấn công và gây nhiễm trùng, nhưng bên cạnh đó vệ sinh quá kỹ cũng là một nguyên nhân! Vì vậy mới có chuyện sau khi điều trị, bệnh trở lại ngay do các nguyên nhân chủ quan khi người bệnh không thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ. Nhiều người bệnh chỉ nghĩ đơn giản rằng đặt thuốc, uống thuốc là đủ rồi, không cần giữ gìn gì thêm nữa.
Ngoài ra, theo bác sĩ Dương Phương Mai, có không ít chị em bị lây bệnh từ đường quan hệ tình dục với chồng. Biểu hiện bệnh nam khoa ít được bộc lộ rõ như ở nữ; vi trùng ẩn nấp có khi phải sau nhiều tháng hoặc nhiều năm mới “phát tiết”. Khoảng thời gian này, khi quan hệ tình dục với vợ, quý ông vẫn “hồn nhiên” truyền bệnh cho vợ.
Mới đây, các nhà nghiên cứu còn phát hiện vai trò của stress trong sự xuất hiện bệnh phụ khoa. Họ nhận thấy rằng càng bị stress nhiều thì phụ nữ càng có nguy cơ viêm âm đạo. Có thể do stress làm suy yếu hệ miễn dịch.
Giữ cho “nơi ấy” bình yên
Việc giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục có ý nghĩa rất quan trọng để phòng bệnh. Đối với bên ngoài, cần rửa sạch âm hộ mỗi ngày, sau đó dùng khăn sạch lau khô trước khi mặc quần lót, ưu tiên quần lót bằng vải không màu.
Một số phụ nữ quan niệm chỉ lâu lâu mới làm vệ sinh vùng kín với dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc chỉ thực hiện khi đã nhiễm bệnh phụ khoa. Sự thật, cũng giống như việc vệ sinh cơ thể (tắm, gội), chị em nên vệ sinh vùng kín hằng ngày, đặc biệt là sau khi sinh hoặc trong những ngày có kinh nguyệt. Khi sử dụng dung dịch vệ sinh, cần chọn lựa sản phẩm phù hợp, tránh làm xáo trộn môi trường tự nhiên của âm đạo. Tránh thụt rửa âm đạo, lạm dụng dung dịch vệ sinh do việc rửa nhiều, rửa sâu vào bên trong với dung dịch phụ khoa không phù hợp sẽ gây mất cân bằng môi trường âm đạo, dễ gây nhiễm khuẩn và nấm.
Nên sử dụng nước, xà phòng thông thường để làm sạch bộ phận sinh dục bên ngoài sau khi đi vệ sinh, luôn giữ thói quen lau từ trước ra sau để tránh tình trạng lây lan vi khuẩn từ hậu môn sang âm đạo. Chị em nên mặc quần lót chất liệu cotton và thay quần lót mỗi ngày, giặt sạch và ủi trước khi mặc.
Khi quan hệ tình dục, nên sử dụng bao cao su để ngăn ngừa bệnh lây truyền. Tránh làm “chuyện ấy” cho đến khi các triệu chứng được cải thiện sau khi điều trị.
Tóm lại, khi thấy có triệu chứng khó chịu như ngứa ngáy, tiết dịch âm đạo nhiều, có mùi hôi..., chị em cần đi khám sớm để tìm hiểu nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời, bác sĩ Mai khuyến cáo.
Vì sao bệnh thường quay lại ?
Sau khi bệnh nhân được chữa trị, các bệnh viêm nhiễm hay nấm chỉ có cơ hội quay trở lại khi khâu vệ sinh bị xem thường hoặc vệ sinh không đúng cách. Nguyên nhân nữa là do sử dụng thuốc không theo liều lượng bác sĩ hướng dẫn. Lưu ý là bệnh có thể sẽ khỏi chỉ sau lần đầu tiên được khám và kê toa nhưng vi rút chưa được diệt tận gốc sẽ nhanh chóng “nổi loạn” khi thuốc không còn hiệu lực hoặc lờn thuốc do sử dụng không đúng liều.
Đàn ông ít khi có thiện chí hợp tác với vợ trong những vấn đề liên quan đến bệnh ở bộ phận sinh dục. Chính vì thế, việc điều trị cho chị em cũng chỉ mang tính chất tạm thời. Khi hết bệnh, nếu tiếp tục quan hệ với chồng mà chồng vẫn chưa dứt các căn bệnh của họ thì việc tái bị bệnh là điều tất yếu. Do đó, nên dùng bao cao su hoặc chờ đến khi chồng được chữa trị dứt điểm mới quan hệ.
Trong lần viêm nhiễm sau, nhiều chị em tưởng là mình bị lại nhưng thực tế là một bệnh khác. Bác sĩ Phương Mai khuyên chị em cần tìm hiểu thông tin để biết rõ khi nào dấu hiệu ngứa ngáy khó chịu là bình thường và khi nào nó trở thành triệu chứng của viêm nhiễm. Lưu ý, không phải khi có dấu hiệu giống lần viêm nhiễm trước nghĩa là bạn lại bị bệnh giống hệt lần trước. Những dấu hiệu ngứa thông thường dễ chữa trị và đơn giản chỉ bằng nước rửa phụ khoa chứa a xít lactic. Hơn nữa, các dấu hiệu ngứa này có thể đơn giản chỉ là do dị ứng xà phòng, kinh nguyệt hay quần áo quá bó... Nếu như dấu hiệu ngứa đi kèm với sưng rát hay tấy đỏ nơi vùng kín thì đây là những triệu chứng của viêm nhiễm. Trong trường hợp này, đi khám bác sĩ là lựa chọn tốt nhất.
Theo : http://www.thanhnien.com.vn/

0 nhận xét:

Copyright © 2013 Sức khỏe phụ khoa