Các
nghiên cứu về sinh lý sinh sản cho thấy nếu một cặp vợ chồng khoảng 25
tuổi, hoàn toàn bình thường về phương diện sinh sản, mỗi tháng sẽ có khả
năng thụ thai gần 25%. Nếu không ngừa thai, khoảng 90% các cặp vợ chồng
này sẽ có con sau một năm chung sống bình thường. Một cặp vợ chồng được
định nghĩa là hiếm muộn - vô sinh khi hai vợ chồng mong muốn có con,
chung sống với nhau bình thường, không sử dụng một biện pháp ngừa thai
nào mà sau một năm vẫn không có thai.
Khả
năng sinh sản giảm ở nữ và nam khi tuổi càng lớn. Người ta ước tính,
phụ nữ nhỏ hơn 25 tuổi trung bình chỉ cần sinh hoạt vợ chồng bình thường
từ 2-3 tháng là có thể có con, trong khi phụ nữ trên 35 tuổi thường
thời gian này kéo dài hơn 6 tháng. Ở nam giới hiện tượng này cũng xảy ra
tuy nhẹ nhàng và chậm rãi hơn, bắt đầu từ khoảng 40 tuổi, khả năng sinh
sản của nam giới thường giảm rõ sau 60 tuổi.
Hiếm
muộn có thể do nguyên nhân từ người chồng hoặc người vợ. Nói chung,
khoảng 30% trường hợp nguyên nhân hiếm muộn là hoàn toàn do chồng, 30%
nguyên nhân do vợ và phần còn lại là do nguyên nhân từ cả hai vợ chồng.
Do đó, chúng ta thấy rằng việc đi khám và tìm nguyên nhân của hiếm muộn
cần thiết phải có mặt của cả hai vợ chồng. Nói cách khác, hiếm muộn là
vấn đề của một cặp vợ chồng, chứ không phải là của riêng vợ hay chồng.
Các
nguyên nhân hiếm muộn thường gặp ở nam giới có thể bao gồm: không có
tinh trùng, tinh trùng quá ít, tinh trùng di động yếu, tinh trùng bị dị
dạng. Các vấn đề này có thể được chẩn đoán khi làm xét nghiệm về tinh
dịch (thường gọi là tinh dịch đồ hoặc phân tích tinh dịch). Ngoài ra,
nam giới có thể hiếm muộn do bị bất lực, xuất tinh sớm hay xuất tinh
ngược dòng (tinh dịch không được phóng ra ngoài, mà chảy ngược vào bàng
quang, sau đó được đi tiểu ra ngoài).
Các
nguyên nhân hiếm muộn thường gặp ở phụ nữ gồm: tắc vòi trứng, không
rụng trứng hay rụng trứng không đều, bệnh lạc nội mạc tử cung, bệnh u xơ
tử cung...
Trong
một số trường hợp, cả hai vợ chồng đều bình thường về phương diện sinh
sản, nhưng tinh trùng người chồng không thích hợp với chất nhầy ở cổ tử
cung người vợ, làm cho tinh trùng bị chết và không đi vào đường sinh dục
nữ được. Trường hợp này thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm sau giao
hợp: bác sĩ sẽ lấy chất nhầy ở cổ tử cung người vợ vài giờ sau giao hợp
để xem sự di động và khả năng sống của tinh trùng.
Hiện nay, hầu hết các thống kê trên thế giới đều cho thấy tỉ lệ hiếm muộn ngày càng gia tăng.
Nguyên nhân có thể do
- Phụ nữ lập gia đình trễ hơn và muốn có con ở tuổi lớn hơn.
-
Nhiều thống kê trên thế giới cho thấy chất lượng tinh trùng nam giới
đang giảm dần, có thể do ảnh hưởng môi trường và hoàn cảnh sinh sống.
-
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục xuất hiện với tỷ lệ cao hơn
trong cộng đồng, dẫn đến tắc vòi trứng, giảm chất lượng tinh trùng, rối
loạn khả năng sinh sản.
-
Việc sinh hoạt tình dục sớm và quan hệ với nhiều bạn tình ngày càng phổ
biến và càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình
dục và nguy cơ dẫn đến hiếm muộn.
-
Ở nước ta, hiện nay tỷ lệ nạo phá thai ở phụ nữ khá cao. Một biến chứng
lâu dài rất thường gặp của nạo phá thai hiện nay là hiếm muộn - vô
sinh. Rất nhiều phụ nữ sau vài lần nạo thai đã bị vô sinh do tắc vòi
trứng hoặc viêm dính buồng tử cung. Do đó, nếu chưa muốn có con, tốt
nhất bạn nên sử dụng một biện pháp ngừa thai thật an toàn để dự phòng
khả năng bị biến chứng vô sinh sau nạo thai.
Khám và điều trị
Hiếm
muộn - vô sinh là một vấn đề mà các cặp vợ chồng cần quan tâm khi bạn
quyết định lập gia đình và có con. Bạn nên đi đến bác sĩ để tìm nguyên
nhân nếu sau 12 tháng giao hợp đều đặn, không ngừa thai mà vẫn không có
thai. Tuy nhiên, bạn nên khám bác sĩ sớm hơn, trong vòng 6 tháng, trong
một số trường hợp sau:
-
Nếu bạn nghi ngờ rằng vợ chồng bạn có một bệnh lý hay nguyên nhân gây
hiếm muộn, như không có kinh, kinh nguyệt không đều, bị viêm phần phụ
trước đó,v.v...
-
Người vợ trên 35 tuổi. Ở đây có 2 lý do khiến bạn nên đi khám sớm: thứ
nhất khả năng sinh sản sẽ giảm theo tuổi; thứ hai, quĩ thời gian để điều
trị không còn nhiều.
Như
đã nêu trên, hiếm muộn là vấn đề của một cặp vợ chồng, nguyên nhân có
thể do một trong hai vợ chồng hoặc cả hai. Do đó, khi đi khám nên đi cả
hai vợ chồng để bác sĩ dễ dàng chẩn đoán và điều trị cho bạn. Khi đến
phòng khám, tùy theo bác sĩ sẽ có cách hỏi khác nhau. Nói chung các vấn
đề bạn cần phải trả lời có thể bao gồm:
- Về phía vợ:
Tuổi, muốn có con bao lâu, số lần sanh, sẩy, nạo thai, các cách ngừa
thai trước đó, kinh nguyệt đều hay không đều, bao lâu có kinh một lần,
kinh nguyệt kéo dài bao lâu, có bị đau khi hành kinh hay không, có mổ
hay mắc bệnh gì trước đây không... Bác sĩ sẽ khám phụ khoa, có thể cho
bạn đi siêu âm và làm thêm một số xét nghiệm như: xét nghiệm nội tiết,
HSG (chụp X quang để đánh giá tử cung và vòi trứng).
- Về phía chồng:
Bác sĩ sẽ cho bạn làm xét nghiệm về tinh trùng (còn gọi là tinh dịch đồ
hay phân tích tinh dịch). Bạn nên tuân theo hướng dẫn của nhân viên
phòng khám để có thể lấy được mẫu thử cho kết quả chính xác. Ngoài ra,
bác sĩ có thể hỏi về sức khỏe của bạn hiện tại, có bị bệnh quai bị lúc
nhỏ hay không, nghề nghiệp bạn đang làm, bạn có hút thuốc lá, uống rượu
hay không, bạn có thường thức khuya hay không, bạn có mắc bệnh gì trước
đây về đường tiểu hay không, bạn hiện có sử dụng thuốc để điều trị bệnh
nào khác không...
BS. Hồ Mạnh Tường
(Theo Suckhoedoisong.vn)
|
0 nhận xét: