Sa dạ con (sa tử cung) là là gì ?


Sa dạ con (sa tử cung) là chỉ tử cung đang ở vị trí bình thường dọc theo âm đạo tụt xuống xương đáy khung chậu, thậm chí có trường hợp tụt ra ngoài khung chậu. Đây là một chứng bệnh thường gặp ở phụ nữ sau khi sinh, đặc biệt là những phụ nữ không kiêng cữ và thuờng lao động nặng sau khi sinh.
Nguyên nhân chủ yếu gây sa dạ con ở sản phụ là do lao động nặng quá sớm sau khi sinh. Một tháng sau khi sinh, tử cung vẫn còn to và nặng, trong khi các cơ và dây chằng nâng đỡ ở đáy chậu còn đang mềm yếu, chưa phục hồi sau thai nghén. Điều này khiến dạ con dễ bị sa xuống dưới. Ngoài ra cũng có thể do suy nhược toàn thân, nhưng ít gặp. Những phụ nữ sinh con nhiều lần có nguy cơ sa dạ con cao hơn.
Trong một số trường hợp vị trí của tử cung thay đổi bao gồm tử cung tụt xuống hoặc dịch chuyển sang trái, sang phải, ra phía sau xương chậu. Nguyên nhân của chứng bệnh này là do sau khi sinh sản phụ ít vận động, nằm ngửa quá lâu, ngồi lâu, hoặc có thói quen nằm nghiêng một bên.
Ảnh hưởng của bệnh và cách xử trí


Sa dạ con khá phổ biến ở phụ nữ sau sinh, với những mức độ khác nhau. Bệnh có 3 mức độ:
Mức độ 1: dạ con sa nhưng cổ dạ con vẫn còn trong âm đạo
Mức độ 2: cổ và một phần thân dạ con lồi ra bên ngoài âm đạo
Mức độ 3: toàn bộ dạ con lồi ra phía ngoài âm đạo, có thể bị viêm nhiễm hay bị loét.
Thông thường phụ nữ sau khi sinh thường bị ở mức độ nhẹ, đó là mức độ 1, nặng hơn một chút là ở độ 2, bệnh nhân có cảm giác nặng, trì xuống và căng tức ở vùng âm hộ, một khối rõ rệt lồi hẳn ra sau khi lao động nặng nhọc. Có thể có hiện tượng đau lưng, đi ngoài khó và tiểu rắt. Đối với những trường hợp này, dạ con có thể co lên sau khi nghỉ ngơi vì vậy sản phụ chỉ cần giữ gìn cẩn thận, tránh gắng sức, tránh rặn (như lúc đi ngoài bị táo bón), thì khi dạ con nhỏ đi, phần đáy chậu chắc dần, dạ con sẽ được nâng dần lên và đỡ sa, có thể trở lại bình thường. Nếu đã nghỉ ngơi nhưng vẫn cảm thấy khó chịu sản phụ cần đi khám để được bác sỹ tư vấn và có hướng xử trí kịp thời.
Phương pháp phòng tránh sa dạ con sau khi sinh
Trong thời gian ở cữ sản phụ không nên nằm hoặc ngồi ở một tư thế quá lâu, nên thường xuyên thay đổi tư thế nằm nghỉ, có thể nằm các tư thế như nằm nghiêng, nằm sấp… không nên chỉ nằm ngửa.
Sản phụ không nên chỉ nằm nghỉ mà nên sớm vận động chân tay nhẹ nhàng, tập một số động tác thể dục tay chân đơn giản ngay khi còn đang nằm trên giường. Tuy nhiên không nên tập mạnh mà nên tập nhẹ nhàng và nâng dần bài tập.
Sản phụ cần phải đi tiểu ngay sau khi sinh, không nên nín tiểu.
Sau khi sinh được khoảng từ 6 – 8 giờ sản phụ nên ngồi dậy, ngày thứ 2 sau khi sinh sản phụ nên ra khỏi giường để vận động.
Sau khi sinh sản phụ nên cho em bé bú càng sớm càng tốt bởi vì kích thích mút núm vú của em bé có thể làm tử cung người mẹ co lại.
Phụ nữ sau sinh cũng cần ăn nhiều rau xanh, hoa quả để không bị táo bón. Việc gắng sức rặn khi đi ngoài cũng có thể làm dạ con sa nhiều hơn.
Theo suckhoe

0 nhận xét:

Copyright © 2013 Sức khỏe phụ khoa