Mụn giộp sinh dục nam - Những điều bạn chưa biết ?

Mụn giộp sinh dục là bệnh thường lây truyền qua đường tình dục, rất dễ lây nhiễm nhưng còn bị bỏ sót nhiều và cũng còn nhiều sự lầm lẫn.

Mụn giộp sinh dục là gì?
Mụn giộp sinh dục là bệnh thường lây truyền qua đường tình dục, rất dễ lây nhiễm nhưng còn bị bỏ sót nhiều và cũng còn nhiều sự lầm lẫn.
Bệnh mụn giộp là bệnh do vi khuẩn? Không đúng, đó là bệnh do virus; một loại virus có khả năng lây truyền mạnh và sống trong cơ thể suốt đời, có 2 thể: virus herpes simplex 1 (HSV1) có nguồn gốc là virus gây chốc mép. Virus herpes 2 (HSV2) phát triển ở niêm mạc cơ quan sinh dục. 

Mụn giộp sinh dục là một bệnh lây truyền qua đường tình dục và gây bệnh cho cả nam và nữ.
Bệnh mụn giộp tương đối hiếm? Không đúng, trong số những bệnh lây truyền qua đường tình dục thì bệnh mụn giộp sinh dục gặp rất nhiều, rất phổ biến ở Âu châu; ở Pháp có khoảng 2 triệu người mang virus nhưng chỉ có khoảng 350, 000 người được chẩn đoán.
Triệu chứng biểu hiện
Các triệu chứng của bệnh bao giờ cũng bộc lộ? Không đúng, 80% trường hợp bệnh phát không thể hiện triệu chứng gì cho nên làm cho việc lây truyền rất dễ xảy ra.
Mụn giộp cũng rất hay phối hợp với sự lây nhiễm và lây truyền HIV. Bệnh mụn giộp sinh dục thường bộc lộ ra bằng những mụn nước nhỏ hay những nốt nhú trên niêm mạc vùng hậu môn hay vùng cơ quan sinh dục (ở âm hộ, dương vật và bìu).
Các mụn nước mọc thành chùm có thể tiến triển thành những ổ loét; thường kèm đau (cảm giác bỏng rát, nhoi nhói) và ngứa tại chỗ, càng đau hơn khi bị dính nước tiểu. Các tổn thương cũng có thể không nhìn thấy nếu như phát triển trong âm đạo, thậm chí cả trên cổ tử cung hay trong niệu đạo của nam giới.
Bệnh mụn giộp không gây ra các biến chứng nghiêm trọng? Không đúng, có thể có biến chứng từ nặng đến nhẹ: hệ thần kinh trung ương bị tổn thương, ví dụ viêm màng não vô khuẩn. Những tổn thương ở cả những vị trí khác như ở mông, háng, đùi, ngón tay, mắt.
Có thể lầm lẫn mụn giộp sinh dục với bệnh nấm? Đúng, vì các triệu chứng rất giống nhau: cảm giác nhoi nhói, ngứa...trong trường hợp nghi ngờ cần hỏi ý kiến thầy thuốc để có chẩn đoán chính xác và nếu cần thì điều trị ngay.
Bệnh mụn giộp có thể biểu hiện dưới dạng bùng phát từng đợt? Đúng, đợt đầu tiên thường kèm với các triệu chứng toàn thân (đau đầu, sốt). Sau đó virus tồn tại lặng lẽ trong các hạch rồi từng đợt trở nên hoạt động.
Tần suất các đợt phụ thuộc vào khả năng phòng ngự của hệ thống miễn dịch và các yếu tố phát động như bị mỏi mệt nặng, ăn uống không cân đối, đang kỳ hành kinh, có vấn đề về stress, HIV dương tính...những yếu tố làm tăng nguy cơ bùng phát.
Chỉ một lần quan hệ tình dục, có thể bị lây nhiễm? Đúng, bệnh rất dễ lây nhiễm trong đợt bùng phát: ngay khi xuất hiện các dấu hiệu cho đến khi lành sẹo hoàn toàn các tổn thương.
Trong giai đoạn này, việc mang bao cao su có thể làm giảm bớt nguy cơ bị lây nhiễm chứ không phải loại bỏ hoàn toàn nguy cơ.
Có thể bị lây bệnh mụn giộp sinh dục do những mụn nước ở gần vùng cơ quan sinh dục (khi không mang bao cao su), do đó nên cố gắng tránh hoàn toàn quan hệ tình dục khi có đợt bùng phát.
Liệu có thể bị tổn thương giống như chốc mép nhưng lại phát triển ở cơ quan sinh dục không? Đúng, sự lây nhiễm có thể xảy ra khi có quan hệ tình dục theo đường miệng với người đang bị nhiễm HSV1. Ngược lại, cũng có thể bị nhiễm HSV2 ở miệng (môi, mép).
Mụn giộp sinh dục có thể điều trị được không? Có nhiều cách điều trị để hạn chế các đợt bùng phát nhưng không thể làm hết hẳn virus, vì virus sẽ ở lại trong cơ thể suốt đời.
Dù là bị nhiễm lần đầu hay tái phát thì dùng thuốc chống virus (Aciclovir) theo đường toàn thân trong 10 ngày cũng có thể hạn chế được cường độ và thời gian kéo dài của đợt bùng phát.
Mụn giộp sinh dục có đem lại nguy cơ nghiêm trọng cho thai nghén không? Có, cần phải báo cho thầy thuốc biết nếu như phụ nữ có thai đã từng bị bệnh mụn giộp sinh dục. Khi đó cần được điều trị để tránh mọi nguy cơ nghiêm trọng cho thai và trẻ sơ sinh.
Mụn giộp nguyên phát và mụn giộp cổ tử cung hay phối hợp với sẩy thai và đẻ non. Trong số những trẻ sinh ra với bệnh mụn giộp (nguy cơ bị nhiễm là 1 trên 3 với mụn giộp nguyên phát, dưới 1 trên 30 với mụn giộp tái phát) thì một nửa sẽ chết hoặc có tổn thương thần kinh.
Điều trị mụn giộp khi có thai như thế nào? Dùng Acyclovir 400 mg uống 3 lần mỗi ngày trong 5 ngày hoặc Acyclovir 200 mg uống 5 lần mỗi ngày trong 7 ngày. Xem xét việc mổ lấy thai.
Khi trẻ sơ sinh bị phơi nhiễm, mụn giộp khi đẻ thì điều trị ngay cho trẻ có đượckhông? Dùng Acyclovir 10 mg/kg tiêm TM, 3 lần mỗi ngày, trong 21 ngày.
BS Đào Xuân Dũng
(Theo Tuoitre.com.vn)

0 nhận xét:

Copyright © 2013 Sức khỏe phụ khoa